trang chủ Tin tức Chi phí nuôi xe sang của một số hãng thông dụng tại thị trường Việt Nam

Chi phí nuôi xe sang của một số hãng thông dụng tại thị trường Việt Nam

Để sở hữu một chiếc xe sang đã phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ. Tuy nhiên sau khi mua về, thì khoản chi phí nuôi xe sang cũng khiến không ít chủ xe phải than trời. Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa đắt hơn xe bình dân bao nhiêu luôn là câu hỏi của những người lần đầu dùng xe sang.

Ngoài chi phí nhiên liệu, tiền bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế linh kiện là những phần chính tạo nên chi phí nuôi xe. Nếu khoản tiền để mua xăng, dầu là thứ có thể dễ hình dung thông qua chỉ số tiêu thụ nhiên liệu thì những khoản còn lại là những thứ khá mông lung với người bắt đầu có nhu cầu chuyển từ xe bình dân lên xe sang.

Về cơ bản, xe sang cũng có các cấp bảo dưỡng giống như các mẫu xe phổ thông. Đa số hãng xe đều chia theo cấp bảo dưỡng nhỏ, lớn hoặc trung bình, lớn theo các khoảng cách 5.000-10.000 km. Tuỳ từng hãng có mức phí bảo dưỡng khác nhau, nhưng về cơ bản sẽ cao hơn xe phổ thông 30-50%, sự chênh lệch đến từ cả ba yếu tố là chi phí nhân công, phí vật tư và hạng mục bảo dưỡng.

Các chi tiết thay thế chủ yếu sẽ nằm ở lọc dầu, lọc gió, má phanh, bugi đánh lửa, các loại dầu thay thế như dầu động cơ hay chế phẩm làm sạch buồng đốt. Ngoài ra chi phí sẽ nằm ở giá nhân công, các vật tư đi kèm hay các vòng cao su, kẹp nhựa...

Các dòng xe sang Đức trước đây thường kém bền ở các chi tiết bằng cao su, lỗi các chi tiết hệ thống điện, hệ thống giảm xóc và lỗi các cảm biến trong xe, trong khi đó các dòng xe sang đến từ Nhật Bản thường ít lỗi hơn. Tuy vậy, thời gian gần đây các hãng đã chú trọng hơn ở tính địa phương hóa, nên các xe nhập châu Âu cũng bền bỉ không kém xe phổ thông.

Xe sang được bảo dưỡng tại một cơ sở chính hãng. Ảnh: BMW Lê Văn Lương

Xe BMW được bảo dưỡng tại một cơ sở chính hãng. Ảnh: BMW Lê Văn Lương

Khi đặt các hãng lên bàn cân để so sánh về chi phí bảo dưỡng, sẽ có sự khác biệt lớn ở các cấp bảo dưỡng trung bình đến lớn, nhưng ở các cấp nhỏ 5.000-10.000 km, chi phí tương đồng.

Mercedes

Mercedes hãng bán nhiều xe sang nhất thị trường Việt Nam, chia cấp bảo dưỡng sau mỗi 8.000 km hoặc một năm tuỳ điều kiện nào đến trước. Mức phí bảo dưỡng bình quân với đa số xe khoảng 5-8 triệu đồng. Mức bảo dưỡng cấp lớn của hãng ở mức cao khi nhiều hạng mục được bóc tách nhỏ và giá nhân công khá cao. Hãng xe Đức được khuyến nghị thực hiện bảo dưỡng sau mỗi 8.000 km hoặc 1 năm, tùy điều kiện nào đến trước.

Chi phí mua xe ban đầu của Mercedes khá dễ chịu so với những hãng khác, nhưng bảo dưỡng lại là một câu chuyện khác. Những đời xe gần đây, chi phí thay thế các linh kiện định kỳ cũng như công thợ của Mercedes thường khá cao và được bóc tách chi tiết. Vì vậy, chi phí để bảo dưỡng cấp lớn có thể lên tới 100 thậm chí 120 triệu đồng.

Giá phụ tùng cũng là vấn đề được nhắc đến nhiều của Mercedes vài năm qua. Một cặp gương GLC giá tới 150 triệu, bởi có nhiều chi tiết điện tử bên trong.

BMW

 

Hãng xe Đức chia khoảng bảo dưỡng rộng hơn Mercedes một chút, sau mỗi 10.000 km. Cứ 40.000 km sẽ lặp lại các cấp bảo dưỡng một lần. Ví dụ, 10.000 (hoặc 12.000)-20.000-30.000-40.000 là các mốc từ nhỏ đến lớn. Như vậy bảo dưỡng 50.000 km sẽ là mốc nhỏ, tương đương 10.000 km. Phí bảo dưỡng các mốc này vào khoảng 3,5-6 triệu đồng, rẻ hơn một chút so với Mercedes.

Với cấp lớn, mức phí bảo dưỡng sẽ giao động 18-35 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng phụ tùng cần thay thế, giá vật tư cũng như chi phí nhân công theo thời điểm.

Chi phí thay thế phụ tùng nếu có mất cắp, hỏng hóc của BMW cũng không rẻ. Giá gương chính hãng 25-45 triệu, camera lùi khoảng 8-15 triệu đồng.

Với thương hiệu Mini, mức phía bảo dưỡng và phụ tùng thường rẻ hơn xe BMW từ 10-15%.

Lexus

So với hai thương hiệu Đức kể trên, thương hiệu Nhật có chính sách bảo dưỡng cho khách hàng khác biệt, trong 3 năm đầu tiên khách hàng sẽ không cần chịu thêm bất kỳ khoản chi phí nào khi bảo dưỡng xe. Sau 3 năm, Lexus sẽ chia cấp độ bảo dưỡng thành các mốc nhỏ, trung bình lớn và lớn. Thông thường các cấp càng lớn càng chi tiết cần sửa chữa càng nhiều, hạng mục bảo dưỡng vì thế cũng sẽ đẩy lên.

Tuy vậy, kể từ khi bắt đầu phải trả tiền, mốc bảo dưỡng nhỏ có mức phí khá cao. VÍ dụ, chi phí bảo dưỡng cấp thấp cho mẫu xe cỡ nhỏ NX200t vào khoảng 6 triệu, tiếp theo là 11 triệu cho trung bình lớn và 23 triệu cho mốc lớn. Xe lớn hơn sẽ bảo dưỡng đắt hơn khoảng 10-30%. Nhưng xe Lexus càng sâu đời, chi phí bảo dưỡng càng đội lên nhiều lần. Một chiếc LX570 bảo dưỡng tốn 150 triệu là điều không lạ.

Đối với linh kiện thay thế, một cặp gương xe Lexus sẽ có giá khoảng 25 triệu đồng, nếu có camera sẽ khoảng 48 triệu đồng. Với các mẫu xe càng đắt tiền, linh kiện thay thế có giá càng cao và chi phí thay thế cũng chênh 10-30%.

Xưởng dịch vụ xe Volvo.

Xưởng dịch vụ xe Volvo.

Volvo

Một thương hiệu xe sang khác đến từ châu Âu nhưng cũng đang tự tin áp dụng chính sách bảo dưỡng 3 năm đầu miễn phí là Volvo. Hãng xe Thuỵ Điển cũng phân mốc bảo dưỡng sau mỗi 10.000 km, và chi phí gần như thấp nhất phân khúc, chỉ khoảng 2,8 triệu cho bảo dưỡng cấp nhỏ (10.000, 70.000 km), trong khi cấp lớn cấp lớn 40.000 km là 7 triệu và khi chạy tới 240.000 km thì tiền bảo dưỡng cấp này cũng chỉ 23 triệu, tức chỉ bằng một cấp trung bình của Mercedes.

Volvo Việt Nam cho biết có những khách hàng chạy XC60 mỗi năm tới 60.000 km, trong 2 năm qua đã chạy 135.000 km nhưng chưa hỏng hóc gì ngoài thay thế định kỳ. Chi phí đắt nhất cho mỗi lần thay thế thuộc về bộ dây curoa ngoài, với giá chỉ 5,4 triệu đồng.

Nếu phải thay thế các chi tiết trên xe trong trường hợp hỏng do tai nạn hay mất cắp, gương Volvo giá 37 triệu cũng là một con số khá nhỏ so với Mercedes. Nếu xe bị va quệt phải sơn lại, tiền sơn cao hơn khoảng 25% so với các hãng phổ thông. Hình ảnh mà hãng xe này đang xây dựng là xe sang châu Âu bền bỉ, chi phí thay sửa, bảo dưỡng chỉ nhỉnh hơn xe phổ thông không nhiều.

Các hãng khác

Audi không công bố chi phí bảo dưỡng nhưng theo chủ xe, mức phía bảo dưỡng của hãng xe này tùy thuộc từng dòng xe dao động từ 4-8 triệu đồng. Mức giá các linh kiện thay thế như gương hay camera giao động từ 15-40 triệu đồng.

Land Rover là hãng xe áp dụng chính sách bảo hành ở mốc xa nhất, khi khuyến nghị của hãng mỗi lần bảo dưỡng cách nhau khoảng 12.000-13.000 km tùy mẫu xe hoặc mỗi năm một lần. Hiện tại, hãng đang áp dụng chính sách bảo dưỡng miễn phí 5 năm hoặc 65.000 km tùy điều kiện nào tới trước. Linh kiện thay thế của Land Rover khá cao khi các chi tiết như cửa hít hay bệ bước, đèn có giá 50-300 triệu đồng.

Một cơ sở bảo dưỡng không chính hãng. Ảnh: Phạm Sơn

Một cơ sở bảo dưỡng không chính hãng. Ảnh: Phạm Sơn

Porsche là hãng xe kín tiếng nhất trong vấn để bảo dưỡng. Theo một số chủ xe, mỗi lần bảo dưỡng hãng sẽ này sẽ tiêu tốn 6-25 triệu đồng tuỳ mốc. Chi phí thay thế linh kiện không hề rẻ. Đèn hay gương có giá 30-200 triệu đồng. Hãng khuyến nghị khách hàng bảo dưỡng theo hai cấp nhỏ và lớn, cứ hai cấp nhỏ tới một cấp lớn.

Maserati thực hiện bảo dưỡng trong khoảng từ 30.000 - 40.000 km hoặc năm thứ 4. chi phí khoảng 14 triệu. Cụm gương chiếu hậu trái trung bình khoảng 38 triệu đồng. Con số này không cố định mà tuỳ vào tính năng và độ phức tạp của các công nghệ tích hợp bên trong, giá có thể cao hơn. Giá một số phụ tùng khác như lọc gió: 3,3 triệu đồng, lọc nhớt 1,8 triệu đồng.

Bentley hay Roll Royce là hai hãng xe siêu sang, có nhiều chi tiết được cá nhân hóa vì thế mức phí bảo dưỡng có thể thay đổi, hoặc theo lịch riêng hãng đặt cho chủ nhân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì chi phí bảo dưỡng các mẫu xe này không hè rẻ và cũng có thể sẽ có chính sách bảo dưỡng miễn phí trong 1-3 năm đầu tiên.

(Nguồn: vnexpress)